Cách trả lời câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì” khi phỏng vấn

Published by TaiPhan on  

Mục đích của câu hỏi này là người tuyển dụng muốn đánh giá xem bạn có tự nhận thức được điểm yếu của mình không và có động lực để cải thiện những điểm yếu này không.


Cách trả lời câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì” khi phỏng vấn

Nếu bạn sắp có một cuộc phỏng vấn, bạn có thể cảm thấy xen lẫn sự phấn khích và lo lắng cùng một lúc. Để tạo sự tự tin cho bản thân, tốt nhất bạn nên chuẩn bị đầy đủ trước ngày quan trọng này.

Không thể đoán trước mọi câu hỏi bạn sẽ được hỏi nhưng có những câu hỏi phỏng vấn phổ biến mà bạn nên chuẩn bị. "Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?" là một câu hỏi cho bạn cơ hội để chia sẻ các mục tiêu phát triển nghề nghiệp của bạn và bày tỏ những nỗ lực không ngừng nghỉ của bạn để phát triển bản thân.

Biết cách trả lời câu hỏi này có thể rất khó. Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu cách bạn có thể trả lời trung thực đồng thời tạo thêm một vòng xoáy tích cực.

I. Mục đích của câu hỏi " Điểm yếu của bạn là gì "?

Các mục đích người tuyển dụng muốn biết khi hỏi bạn câu hỏi " Điểm yếu của bạn là gì ? "

- Đánh giá xem bạn có đủ nhận thức để nhận thấy những điểm yếu của bản thân mình và trung thực trong câu trả lời hay không.

-  Đánh giá xem bạn có phải là người cầu tiến và có động lực trong việc cải thiện những điểm yếu của bản thân để trở nên tốt hơn thông qua các kế hoạch và hành động cụ thể hay không. 

Yếu tố này rất quan trọng, vì nó cho thấy động lực của bạn trong công việc và khát khao mong muốn đạt được các mục tiêu nghề nghiệp, cũng như đánh giá xem bạn có phải là người chủ động trong việc giải quyết các vấn đề.

- Đánh giá xem những điểm yếu này có ảnh hưởng đến kết quả công việc không.

- Đánh giá tính cách và thái độ, cũng như kỹ năng phản ứng nhanh của bạn khi trả lời câu hỏi, để xem bạn có thực sự phù hợp với văn hóa công ty hay không.

II. Cách trả lời câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì” khi phỏng vấn

Nếu bạn quá trung thực, bạn có thể tự mình đánh mất cơ hội được tuyển dụng. Nhưng nếu không trung thực, bán sẽ để lại ấn tượng không tốt cho người phỏng vấn. 

Con người chúng ta không có ai là hoàn hảo 100%, ai cũng có những điểm yếu của riêng mình. Do đó, cần phải trình bày hai yếu tố quan trọng nhất trong cầu trả lời đó là:

- Điểm yếu của bản thân.

-  Trình bày các cách mà bạn đã hoặc đang nỗ lực để sữa chữa và cải thiện các điểm yếu để bản thân trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý những điểm yếu này không ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc của vị trí bạn đang ứng tuyển.

Dưới đây là một vài cách trả lời bạn có thể tham khảo.

1. Câu trả lời dựa trên kỹ năng (có ví dụ)

Chọn điểm yếu dựa trên kỹ năng là một lựa chọn tuyệt vời vì bạn có thể thực hiện các bước cụ thể để phát triển kỹ năng cụ thể đó, chẳng hạn như tham gia một khóa học hoặc tìm cơ hội trong công việc để cải thiện trong lĩnh vực này. 

Bạn nên lựa chọn điểm yếu của mình cho phù hợp với công việc mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ như nếu bạn đang phỏng vấn cho vị trí kế toán, bạn không thể trả lời rằng tôi không giỏi xử dụng phần mềm Microsoft Excel.

Khi bạn ứng tuyển vị trí kế toán, bạn có thể trả lời như sau:

“Tôi đã được tiếp xúc và học cách sử dụng Microsoft Excel từ khi học phổ thông, nhưng không thực sự giỏi khi sử dụng nó. Khi học đại học chuyên ngành kế toán, tôi đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng thành thạo Exel. 

Do đó, tôi đã tích cực tham gia các khóa học đào tạo chuyên sâu tại các trung tâm uy tín về kế toán, và nỗ lực thực hành để có thể sử dụng thành thạo các bảng tính và công thức phức tạp. Hiện tại tôi rất tự tin với kỹ năng sử dụng Exel của mình trong công việc. ”

2. Câu trả lời dựa trên tính cách (có ví dụ)

Bạn cũng có thể nói về một điểm yếu trong tính cách. Tuy nhiên, hãy tránh một ví dụ khiến cho mọi người tưởng rằng bạn không hòa đồng, không thể cộng tác với đồng nghiệp. Tuy nói về điểm yếu trong tính cách nhưng bạn vẫn phải cho mọi người thấy rằng bạn vẫn là một nhân viên tích cực, năng suất và có thể làm việc nhóm hiệu quả.

Ví dụ

“ Tôi là người nhiệt huyết và chăm chỉ trong công việc, khi nhận công việc được giao tôi luốn cố gắng hoàn thành nó. Trong quá trình làm việc, khi mọi người trong Team cần tôi hỗ trợ một công việc nào đó, tôi rất nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến tôi bị xao nhãng và đôi khi ảnh hưởng đến công việc chính được giao. 

Bây giờ, tôi đang học cách để sắp xếp thứ tự ưu tiên của các công việc trong ngày, để có thể hoàn thành tốt các công việc được giao mà vẫn có thể hỗ trợ giúp đỡ được các thành viên khác trong Team. ”

III. Các mẹo hữu ích cần nhớ

1. Lạc quan lên

Mặc dù người tuyển dụng đang hỏi về điểm yếu lớn nhất của bạn, hãy trả lời với thái độ lạc quan. Trình bày  các cách nhìn nhận vấn đề, đưa ra cách giải quyết và lên kế hoạch thực hiện một cách cụ thể để phát triển các điểm yếu của mình trở nên tốt hơn mỗi ngày. Đây là yếu tố người tuyển dụng cần tìm ở một nhân viên tài năng.

2. Có sự chuẩn bị trước

Bạn nên chuẩn bị trước câu trả lời cho câu hỏi này. Điều này sẽ giúp bạn tự tin và trả lời lưu loát và tự nhiên hơn. Điều này cũng cho nhà tuyển dụng thấy bạn thực sự nghiêm túc khi ứng tuyển vào vị trí này.

3. Trả lời trung thực

Một câu trả lời trung thực cho thấy rằng bạn là người đáng tin cậy. Đó là tín hiệu cho thấy bạn sẽ xây dựng được lòng tin ở nơi làm việc và phát triển các mối quan hệ  với đồng nghiệp một cách bền chặt.

4. Trình bày các chi tiết cụ thể

Một câu trả lời không thuyết phục rất có thể là một câu trả lời ngắn gọn, mơ hồ. Đi sâu vào trải nghiệm của bạn để mô tả cách bạn vượt qua trở ngại để có thể biến điểm yếu thành điểm mạnh. Bạn sẽ cho nhà tuyển dụng thấy bạn có động lực, cam kết và nỗ lực hết mình để đạt các mục tiêu trong công việc. 

Chúc bạn thành công.

Chủ đề:Cách trả lời câu hỏiPhỏng vấnViệc làm
Từ khóa: Cách trả lời câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì” khi phỏng vấn
Nguồn: